Cứ đến tháng 11 (âm lịch) là ông Dương Chánh (59 tuổi) ở ấp Thuận Thành I, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) lại sửa soạn đồ nghề phục vụ khách hàng có nhu cầu đánh bóng lư đồng. Đây là dịch vụ chỉ thực hiện mỗi năm một lần vào dịp tết Nguyên đán khi người dân sửa soạn bàn thờ cúng gia tiên để hy vọng một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe, hạnh phúc.
Ông Dương Chánh làm công đoạn cuối cùng là làm bóng lư đồng
Ở Huế vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1977, ông Chánh đem theo nghề đánh bóng lư đồng vào mưu sinh dù chỉ làm ăn được vào mùa giáp tết và không muốn nghề bị mai một.
Theo ông Chánh, nghề đánh bóng lư đồng đã có từ rất lâu nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều hộ gia đình khi muốn làm mới những vật dụng thờ cúng bằng đồng, tạo cho không gian thờ cúng vừa tôn nghiêm, vừa đẹp nhân dịp năm mới. Bình Phước là nơi hội tụ người dân từ nhiều vùng miền nhưng phần đông ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung nên nhiều nhà có bộ lư đồng trên ban thờ gia tiên. Nhờ vậy mà nghề đánh bóng lư đồng của ông cũng có đồng ra đồng vào.
Một bộ lư đồng (hay gọi bộ tam sự) thông thường gồm ba vật là một lư đồng, một cặp chân đèn, một bình bông. Giá đánh bóng một bộ lư đồng khoảng 200-250 ngàn đồng tùy thuộc vào độ lớn và sự cầu kỳ của bộ. Để đánh được một bộ lư đồng vừa đẹp vừa bóng phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó công đoạn làm bóng là khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, tỉ mỉ vì chỉ cần một chút sơ suất có thể làm hư cả bộ lư. Hoàn thành một bộ lư đồng mất ít nhất một ngày lao động cần mẫn. Ông Chánh cho biết: “Để đánh bóng một bộ lư đồng như mới, nghe thì đơn giản nhưng cũng lắm công phu, nhất là gặp những bộ lư lớn, chạm trổ tinh xảo, gia chủ xem như bảo vật gia truyền nên phải thật cẩn thận khi đánh bóng”.
Công việc khá mệt nhọc khi phải ngồi hàng giờ. Bên cạnh đó người thợ còn độc đối mặt với hại từ bụi do cọ xát lư đồng và cả những chất hóa học mà dân trong nghề sử dụng như lơ đánh bóng, bột làm sáng. Nhưng vì mưu sinh và là nghề gia truyền nên không thợ nào muốn bỏ. tranh đồng